Trong số mệnh con người, cái gọi là bản mệnh cũng chính là ngũ hành, con người có mệnh Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ… Trong các sao Tử Vi cũng phân ra các nhóm sao âm dương theo ngũ hành, trong các vận trình của cuộc đời cũng vậy, đều có âm dương ngũ hành tác động. Chính vì thế, âm dương ngũ hành trong tử vi cũng là một trong những kiến thức quan trọng cần nắm vững.
Tầm quan trọng của âm dương ngũ hành trong tử vi thường bị các học viên mới, những người mới nhập môn tử vi coi nhẹ. Họ thường đề cao tầm quan trọng của học thuyết âm dương ngũ hành trong tứ trụ nhưng lại quên mất rằng, trong tử vi tầm quan trọng của học thuyết âm dương cũng không hề thua kém. Trong quá trình từ An Sao cho đến luận đoán một lá số thường không thể xa rời các yếu tố âm dương ngũ hành.
Vậy mà xưa nay, rất nhiều người lại thường không coi trọng điều đó, cứ chăm chú đến ý nghĩa của các sao, miễn cưỡng luận đoán sai rất nhiều.
Trong nội dung bài này, chúng ta sẽ cùng đi xét nguyên lý âm dương được sử dụng trong quá trình luận đoạn một lá số tử vi. Và một vài phương pháp ghi nhớ đơn giản mà người xưa vẫn thường sử dụng.
1. Lý Thuyết chung về Âm Dương Ngũ Hành
Âm Dương sinh Ngũ Hành, Ngũ Hành sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng lại sinh Bát Quái từ đó sinh ra vạn vật. Nguyên tắc Âm Dương ngũ hành chính là cái gốc của vạn vật. Tử vi lý số là môn huyền học cũng không thể xa rời nguyên lý Âm Dương vậy.
Âm là tĩnh, âm đại diện cho những thứ bất động, cố định. Dương là động, Dương là dịch chuyển, là thay đổi. Âm là đất thì Dương chính là trời. Có Âm thì tất phải có Dương, như vậy mới là hòa hợp, là đủ đầy.
Ngũ hành bao gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ
Trong đó:
Kim: là vàng hay các kim loại;
Mộc: là gỗ hay các thảo mộc;
Thủy: là nước hay các chất lỏng;
Hỏa: là lửa hay khí nóng;
Thổ: là đất đá.
Ngũ hành tượng trưng cho những vật chất cấu thành vũ trụ, mỗi hành lại mang trong mình những tính chất, đặc điểm, phương vị nhất định.
Mộc: Mùa Xuân, màu xanh, hướng Đông
Hỏa: Màu Hè, màu đỏ, hướng Nam
Kim: Mùa Thu, màu xám, hướng Tây
Thủy: Mùa Đông, màu đen, hướng Bắc
Thổ: Tháng cuối của 4 mùa, màu vàng (hoàng thổ) , ở Trung Tâm.
Trong Ngũ hành lại tự tương sinh, tương khắc. Bổ sung hoặc triệt tiêu lẫn nhau. Cũng như vạn vật có hỗ trợ nhau, tương trợ lẫn nhau nhưng cũng có hình hại nhau, tác động xấu cho nhau.
Ngũ hành Tương Sinh: Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ. Thổ sinh Kim.
Hiểu một cách nôm na thì: Kim bị nóng chảy biến thành Thủy, Thủy mang đến cho cây cối tốt tươi, vậy là thủy sinh Mộc, Mộc là chất dẫn để cho hỏa phát sáng, lửa cháy được cần phải có củi đốt đó là lẽ đương nhiên để Mộc sinh ra Hỏa. Hỏa thiêu đốt tất cả hóa thành tro, tro chính là thổ. Thổ lại là mẹ của Kim, thổ sinh ra kim, Kim lúc nào cũng được hình thành trong thổ. Đó chính là lý lẽ của ngũ hành tương sinh vậy.
Ngũ hành Tương Khắc: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim.
2. Âm dương Ngũ hành trong Thiên Can – Địa Chi
Sáu mươi hoa giáp (lục thập hoa giáp) chính là vòng tròn 60 năm kết hợp giữa thiên can và địa chi trong đó phân định âm dương ngũ hành rõ ràng.
Việc phân định âm dương rõ ràng trong bước đầu đã giúp chúng ta có thể dễ dàng nhớ được các khái niệm về Âm Nam, Dương Nam, Âm Nữ, Dương Nữ rất cần thiết trong quá trình An Sao và luận đoán tử vi.
a. Tính âm dương, ngũ hành trong Thiên Can
+ Tính Âm Dương của các Can
- Các Can Dương: Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm
- Các Can Âm: Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý
Tính chất âm dương: cùng cực thì đẩy nhau, khác cực thì hút nhau. Mức độ “hút” và “đẩy” nhau còn phụ thuộc rất nhiều vào tính chất của các can mang theo ngũ hành. Ví dụ: Giáp Mộc dương, và Ất mộc âm sẽ hút nhau, hỗ trợ cho nhau khiến cho hành mộc vượng hơn. Giáp Mộc dương và Canh dương Kim sẽ khắc nhau.
+ Thuộc tính Ngũ hành, phương vị của các Can:
- Giáp - Ất: Hành Mộc, phương Đông
- Bính – Đinh: Hành Hỏa, Phương Nam
- Mậu – Kỷ: Hành Thổ, Trung Tâm
- Canh – Tân: Hành Kim, Phương Tây
- Nhâm – Quý: Hành Thủy, Phương Bắc
+ Phân định Hợp – Phá của Thiên Can:
1. Giáp Hợp Kỷ, Giáp Phá Mậu, Kỷ phá Quý
2. Ất Hợp Canh, Ất phá Kỷ, Canh phá Giáp
3. Bính Hợp Tân, Bính phá Canh, Tân phá Ất
4. Đinh hợp Nhâm, Đinh phá Tân, Nhâm phá Bính
5. Mậu hợp Quý, Mậu phá Nhâm, Quý phá Đinh
b. Tính âm dương ngũ hành trong Địa Chi
Không những Thiên Can mang trong mình đặc tính âm dương ngũ hành mà Địa Chi cũng vậy. Địa chi cũng phân thành âm dương.
+ Tính Âm – Dương của Địa Chi:
- Địa Chi Dương: Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất
- Địa Chi Âm: Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi
+ Thuộc tính ngũ hành của Địa Chi:
- Dần, Mão: hành Mộc, phương Đông
- Tỵ, Ngọ: hành Hỏa, Phương Nam
- Thân, Dậu: hành Kim, Phương Tây
- Hợi, Tý: hành Thủy, Phương Bắc
- Thìn, Tuất, Sửu, Mùi: hành Thổ, vị trí Trung Tâm
+ Tam hợp và hành tam hợp của địa chi:
- Dần, Ngọ, Tuất: Dần (Mộc) -> Ngọ (Hỏa) -> Tuất (Thổ)
- Tỵ, Dậu, Sửu: Tỵ (Hỏa) -> Dậu (Kim) -> Sửu (Thổ)
- Thân, Tý, Thìn: Thân (Kim) -> Tý (Thủy) -> Thìn (Thổ)
- Hợi, Mão, Mùi: Hợi (Thủy) -> Mão (Mộc) -> Mùi (Thổ)
Nhìn trên bảng tam hợp trên ta có thể thấy:
Trong mỗi tam hợp, có chữ đầu, chữ giữa và chữ cuối. Chữ đầu sinh ra cung giữa, cung giữa là cung chính (chính Hành và chính Phương), cung dưới bao giờ cũng là cung Thổ, còn gọi là cung Mộ, vì mọi hành đều trở về Thổ. Vậy:
- Tứ sinh: Dần, Thân, Tỵ, Hợi
- Tứ tuyệt (chính): Tý, Ngọ, Mão, Dậu
- Tứ mộ: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi
Mỗi tam hợp có một hành, đó là hành của cung trong tứ chính. Như vậy:
- Dần, Ngọ, Tuất: hành Hỏa
- Tỵ, Dậu, Sửu: hành Kim
- Thân, Tý, Thìn: hành Thủy
- Hợi, Mão, Mùi: hành Mộc
Trong phép giải đoán, khi xét một cung, phải xét cả 2 cung kia trong tam hợp (gọi là cung tam hợp chiếu) coi cả 3 cung như nhau. Như Mạng đóng ở Tuất, thì phải xét cả 2 cung Dần và Ngọ cũng quan trọng như Tuất.
+ Cung Nhị hợp
- Sửu --> Tý (Tam họp Kim --> Tam hợp Thủy )
- Dậu --> Thìn (Tam họp Kim --> Tam hợp Thủy )
- Tỵ --> Thân (Tam họp Kim --> Tam hợp Thủy )
- Mùi --> Ngọ (Tam họp Mộc --> Tam hợp Hỏa)
- Hợi --> Dần (Tam họp Mộc --> Tam hợp Hỏa )
- Mão --> Tuất (Tam họp Mộc --> Tam hợp Hỏa)
- Vậy nhị hợp chỉ có một chiều; chiều ngược lại không đúng. Thí dụ: Sửu nhị hợp cho Tý, nhưng Tý không nhị hợp cho Sửu. Ta nhận xét thêm là trong một cặp nhị hợp, chiều nhị hợp do từ cung Âm sang cung Dương, vậy là cung Âm sinh xuất, cung Dương sinh nhập.
- Trong phép giải đoán, cung nào bị sinh xuất thì không kể đến nhị hợp. Cung nào được sinh nhập mới được kể đến nhị hợp. Thí dụ: Mạng ở Tuất, Tuất được Mão sinh nhập. Vậy ta xem cả Sao ở Mão.
+ Các cung Nhị xung (cung xung chiếu)
Tý > < Ngọ (Tam họp Thủy > < Tam hợp Hỏa)
Sưu > < Mùi (Tam hợp Kim > < Tam hợp Mộc)
Dần > < Thân (Tam họp Thủy > < Tam hợp Hỏa)
Mão > <Dậu (Tam hợp Kim > < Tam hợp Mộc)
Thìn > < Tuất (Tam họp Thủy > < Tam hợp Hỏa)
Tỵ > < Hợi (Tam hợp Kim > < Tam hợp Mộc)
Lưu ý:
Tý > < Ngọ: Tý khắc xuất, Ngọ bị khắc nhập
Sửu > < Mùi: Sửu khắc xuất, Mùi bị khắc nhập
Dần > < Thân: Thân khắc xuất, Dần bị khắc nhập
Mão > < Dậu: Dậu khắc xuất, Mão khắc nhập
Thìn > < Tuất: Thìn khắc xuất, Tuất bị khắc nhập
Tỵ > < Hợi: Tỵ khắc xuất, Hợi bị khắc nhập
Tóm lại, khi xem cung nào phải ĐỒNG THỜI xem cả cung xung chiếu, 2 cung tam chiếu và cung nhị hợp, tức là phải xem 5 cung cùng một lúc để cân nhắc chung.
Thông thường người ta xem 5 cung có tầm quan trọng ngang nhau. Nhưng có người tinh vi hơn muốn đánh giá 5 cung đó theo ưu tiên quan trọng khác nhau. Theo quan điểm này thì:
- Quan trọng nhất là cung chánh (ví dụ là Tuất)
- Quan trọng nhì là cung xung chiếu (Thìn)
- Quan trọng ba là 2 cung tam chiếu (Dần và Ngọ)
- Quan trọng bốn là cung nhị hợp (Mão)
Sự đánh giá này xét qua cũng hợp lý vì bao giờ sao tọa thủ tại cung chánh cũng nặng cân hơn cả, rồi đến các sao tọa thủ tại cung trực chiếu, rồi đến tam chiếu và sau cùng là nhị hợp.
Sự đánh giá này phân biệt được ảnh hưởng trực tiếp và các ảnh hưởng gián tiếp ngõ hầu cân nhắc sự nặng nhẹ của biến cố, giúp cho việc luận đoán tinh vi hơn, cụ thể hơn, có thể chính xác hơn, đầy đủ hơn. Trái lại, nếu gọp chung 5 cung lại coi nhưng ngang giữa nhau thì chỉ có được ý niệm chung về biến cố, không suy diễn được chi tiết của biến cố (nguyên nhân, hậu quả, hình thái, tính chất…) khiến cho sự lượng định, thẩm định không rõ ràng.
Những nguyên lý âm dương, ngũ hành được ứng dụng rất nhiều và rất quan trọng trong tử vi. Ở bài sau, tôi sẽ tiếp tục trình bày về cách vận dụng âm dương - ngũ hành trong quá trình lập lá số và luận giải lá số một cách chi tiết theo các trường phái tử vi hiện hành.
(Sưu Tầm)
(Sưu Tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét